Hội Luật gia tỉnh Lai Châu

http://hoiluatgia.laichau.gov.vn


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt nam 04/4/1955-04/4/2022, Sáng ngày 21/4/2022, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Các đồng chí chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; Trưởng, phó các ban chuyên môn, văn phòng và một số đơn vị trực thuộc Trung ương Hội.

 Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam thay mặt lãnh đạo Hội đã báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Đồng chí cho biết, từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, công tác phát triển hội viên được kiện toàn và có bước phát triển mới: Trung ương Hội có 04 Ban chuyên môn, Văn phòng, 18  đơn vị trực thuộc; Đảng bộ gồm 13 Chi bộ với tổng số 135 đảng viên; cả nước đã thành lập 63 Hội Luật gia cấp tỉnh, 47 Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương; 490 Hội Luật gia cấp huyện, 4.776 Chi hội Luật gia cơ sở, xã, phường, thị trấn (trong đó 26 tỉnh, thành phố đã có Hội Luật gia ở tất cả các quận, huyện), tổng số hội viên là 67.640 người. Cùng với việc phát triển về số lượng, việc nâng cao chất lượng hội viên cũng đã được đặc biệt quan tâm; các tiêu chí để kết nạp hội viên được xác định rõ theo hướng đảm bảo quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

 

CTN 18

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội báo cáo Chủ tịch nước

 

Trong những năm qua, các cấp Hội Luật gia không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát và phục vụ kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Điển hình như: Công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hội chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại và trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật trưng cầu ý dân; tổ chức nhiều hoạt động góp phần xây dựng Hiến pháp năm 2013; tham gia Ban soạn thảo và tổ biên tập 47 dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác; tham gia thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các quy chế, hương ước, quy ước văn hoá và các quy định tự quản khác ở địa phương, đơn vị, cơ sở.

Công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật là thế mạnh của Hội, được triển khai ngày càng sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói riêng ngày càng được khẳng định và tăng cường. Hội đã phát huy tốt vai trò là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và địa phương; chủ động tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội cho hội viên và nhân dân; thực hiện có hiệu quả Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” do Thủ tướng Chính phủ giao. Hội đã Ký kết các Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều bộ, ngành hữu quan; triển khai nghiên cứu xây dựng và thí điểm các mô hình PBGDPL có hiệu quả, đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị và địa bàn.

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả và bền vững, qua đó phát huy thế mạnh của đội ngũ luật gia. Hội đã phối hợp với các trại tạm giam, trại giam của các tỉnh thực hiện phổ biến, tư vấn pháp luật cho các đối tượng là phạm nhân, người sắp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Các cấp hội thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động TVPL, TGPL, hướng về cơ sở, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, những người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

 

IMG 1306

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Tham gia công tác hòa giải ở cơ sở được các cấp hội thực hiện dưới nhiều phương thức: thông qua các Trung tâm tư vấn pháp luật, Trung tâm pháp luật cộng đồng (mô hình này đang được thí điểm), thí điểm phương thức “Đối thoại đa chủ thể” đối với tranh chấp về đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng. Với những phương thức tiếp cận phù hợp những đối tượng đang có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, giải quyết những vướng mắc, xung đột, hoạt động hòa giải của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội.

Công tác tham gia cải cách tư pháp được thực hiện tích cực, có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện và báo cáo kết quả định kỳ, hàng năm và báo cáo chuyên đề với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”; tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; tham gia xây dựng tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp ...

Công tác Đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế đã được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu, trong đó, đặc biệt là đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Các mặt công tác khác cũng được tăng cường và thực hiện có hiệu quả.

Báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Nguyễn Văn Quyền cũng nêu lên một số hạn chế, khó khăn trong hoạt động Hội. Đồng thời trình bày về phương hướng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian tới và đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch nước về một số nội dung liên quan đến công tác của Hội. Đặc biệt là đề nghị Chủ tịch nước xem xét, có ý kiến với Bộ Chính trị về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, tiếp tục khẳng định Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, trong đó mang đậm tính chất chính trị, là Hội được Đảng, Bác Hồ thành lập và giao nhiệm vụ. Đồng chí cũng đề nghị Chủ tịch nước giao cho Hội Luật gia Việt Nam tổ chức lấy ý kiến luật gia cả nước về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo kế hoạch chung của Đảng và Nhà nước.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của một số Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và biểu dương những thành tích mà các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước ghi nhận: Với gần 70 năm xây dựng và phát triển, lịch sử của Hội Luật gia Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với lịch sử của đất nước, với lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Có thể khẳng định ngay từ đầu thành lập, Hội đã được Đảng lãnh đạo; tập hợp những luật gia ưu tú, yêu nước, tiêu biểu của cả nước; xác định rõ mục tiêu của Hội là phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước; quán triệt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chủ tịch. Từ khi thành lập, Hội đã lấy tôn chỉ, mục đích là đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật, tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

CTN 111 1

Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tình hình đất nước và khu vực thời gian tới có những yêu cầu và thách thức mới, đặc biệt trong đó có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì vậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội nhất là trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát, phản biện xã hội…

 Về những kiến nghị, đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của Hội để Hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Chủ tịch nước giao các bộ, ban, ngành có liên quan thực hiện những kiến nghị, đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam về một số vấn đề, như hoạt động đối ngoại, công tác tư pháp, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý…

Thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Quyền đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và ý kiến phát biểu, đóng góp của các ban, bộ, ngành, hứa sẽ tích cực triển khai đến các cấp hội và hội viên để thực hiện trong thời gian tới./.

IMG 1756

Chủ tịch nước chụp ảnh cùng các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam

 

IMG 1655

Chủ tịch nước thăm phòng truyền thống của Hội

 

IMG 1775

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước 

Tác giả: Mai Vũ

Nguồn tin: hoiluatgiavn.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down