Giai đoạn này dự án tập trung vào vấn đề hợp tác của người dân với các doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ nông, lâm sản và hợp tác trồng cây công nghiệp trên địa bàn. Bởi lẽ, việc có được cơ hội hợp tác bình đẳng với các doanh ngjiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm hoặc với doanh nghiệp hợp tác đầu tư trồng cây công nghiệp thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng sẽ giúp người nông dân có điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm làm ra ổn định, hạn chế việc bị thương lái ép giá, chiếm dụng tiền bán sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân nơi đây. Đồng thời, về phía doanh nghiệp, khi ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác với người dân, doanh nghiệp có điều kiện ổn định về nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chủ động trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thông qua các hoạt động của Dự án, công tác tư vấn pháp luật về hợp đồng hợp tác cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã trong tỉnh đã có những kết quả đáng kể. Người dân đã có nhận thức về luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng được thụ hưởng như đội ngũ trưởng thôn, bản, cán bộ tổ chức đoàn thể quần chúng, doanh nghiệp, người dân đã được cải thiện. Bên cạnh đó, cấp uỷ và chính quyền địa phương đã nhận thức và đánh giá tích cực hoạt động tư vấn pháp luật lưu động, luôn ủng hộ và tạo điều kiện để mọi hoạt động tư vấn đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn nhận thấy còn một số khó khăn, tồn tại như sau:
- Các xã trên địa bàn tỉnh phần lớn có địa hình không bằng phẳng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giao thông liên thôn xuống cấp đi lại gặp khó khăn.
- Trình độ dân trí và nhận thức của nhân dân không đồng đều, gây ảnh hưởng đến việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân.
- Văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có những lĩnh vực còn chung chung chưa cụ thể và rõ ràng, không hiếm văn bản còn chồng chéo dẫn đến thực trạng rất khó giải quyết vướng mắc tại cơ sở.
- Nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp còn hạn chế, hơn nữa các mô hình liên doanh, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với người dân chưa được quy định cụ thể và tổng kết mô hình nào có ưu điểm nhất để nhân rộng tại địa phương. Nhiều hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp bị phá vỡ, vi phạm của các bên không được xử lý kịp thời, gây nên mất lòng tin giữa các bên.
Từ đó, để bảo vệ quyền và lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp trong vấn đề hợp đồng, hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tham gia tư vấn pháp luật về hợp đồng hợp tác trên địa bàn các xã cần tiến hành một số giải pháp sau:
- Thường xuyên tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn. Kế hoạch phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội của từng xã. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - quyết định chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật. Do vậy, cần tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hoà giải tốt, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng trong việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung thường xuyên cho đội ngũ làm công tác phổ biến.
- Đa dạng hoá hình thức, phương pháp tư vấn pháp luật, không chỉ thông qua buổi lên lớp mà bằng những cách thức như toạ đàm, buổi nói chuyện, hoàn cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát, tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống pháp luật… Ngoài ra, cần lồng ghép việc tư vấn pháp luật tại các buổi sinh hoạt của các hội như hội phụ nữ, hội thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh…
- Tăng cường hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở. Đây là hình thức có tác dụng giáo dục cao vì nó không chỉ giải quyết tranh chấp thông qua cách hướng dẫn, thuyết phục các bên tự thương lượng với nhau mà còn xuất phát từ đạo lý. Hoà giải ở cơ sở vừa có tác dụng giáo dục hiệu quả vừa có khả năng lan toả trong cộng đồng. Khi tiến hành hoà giải cần phân tích thấu đáo mọi khía cạnh, kiên nhẫn và mềm mỏng, vừa căn cứ vào quy định pháp luật, vừa dùng tình cảm để thuyết phục. Phải xác định hoà giải có thể không thành, nhưng nhất định buổi hoà giải đó sẽ là bài học phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi người.
- Thường xuyên hệ thống hoá pháp luật để phát hiện và loại bỏ những quy định pháp luật không phù hợp, trùng lắp, mâu thuẫn, kịp thời bổ sung những thiếu sót trong mặt bằng pháp luật; có kế hoạch xây dựng pháp luật phù hợp với mỗi giai đoạn cụ thể; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, nâng cao kỹ thuật lập pháp, mở rộng các hình thức nhân dân tham gia vào việc xây dựng pháp luật… Đồng thời phải đảm bảo đủ kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Công tác tham gia tư vấn pháp luật về hợp đồng hợp tác cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của người dân. Hiệu quả hoạt động này lại phụ thuộc vào trình độ văn hoá pháp lý của đội ngũ cán bộ, công chức; phụ thuộc vào việc họ thực thi pháp luật, có thái độ tôn trọng pháp luật. Nhất là trong điều kiện xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì một trong những điều kiện quan trọng là làm sao để người dân được tham gia tích cực vào hoạt động quản lý xã hội bằng pháp luật. Công tác tư vấn pháp luật trên địa bàn xã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tính tích cực, đảm bảo hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật trong cả nước nói chung.