Hội Luật gia tỉnh Lai Châuhttps://hoiluatgia.laichau.gov.vn/uploads/logohlg.png
Thứ năm - 10/03/2022 12:551.2980
Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát xã hội, phản biện xã hội, các cấp Hội Luật gia trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm và phối hợp, đề nghị tham gia giám sát xã hội, phản biện xã hội theo đúng chức năng nhiệm vụ. Thông qua đó theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.
Giám sát là một hình thức hoạt động quan trọng, đồng thời là quyền của cơ quan nhà nước thể hiện ở việc xem xét đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật nhằm bảo đảm pháp chế hoặc sự chấp hành những quy tắc chung nào đó. Giám sát còn là quyền của nhân dân, của tổ chức xã hội xem xét đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, của cán bộ, công chức nhà nước trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chịu sự giám sát của cử tri. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; Công đoàn giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế. Nội dung giám sát được xác định là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nội dung phản biện xã hội là sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bản dự thảo.... Hoạt động giám sát và phản biện xã hội còn được thể hiện ở việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, nội dung góp ý xây dựng Đảng gồm góp ý đối với tổ chức Đảng và góp ý đảng viên; góp ý xây dựng chính quyền gồm góp ý với cơ quan, tổ chức và góp ý với cá nhân. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát huy quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Giám sát, phản biện xã hội của Hội Luật gia thông qua hình thức tập hợp lấy ý kiến của Hội viên, của nhân dân góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, văn bản của Hội đồng nhân dân được thông qua tại các kỳ họp, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp; tham gia các đoàn giám sát, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, qua góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Năm 2021 tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cử luật gia tham gia các đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật do Cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức. Hội Luật gia các cấp đã tham gia 27 cuộc giám sát. Các cấp hội trong tỉnh đã tích cực tham gia ý kiến 12 dự án luật; đóng góp 1.481 lượt ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương; thẩm định, rà soát, kiểm tra, tự kiểm tra 854 văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài trực tiếp tham gia các đoàn Giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập, việc giám sát của Hội Luật gia còn được thực hiện thông qua các hình thức, biện pháp khác, như: Hội viên Luật gia tham mưu, giúp lãnh đạo nơi Hội viên công tác trong việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát và tham gia với vai trò thành viên của Đoàn để thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai. Ngoài ra còn thông qua việc trực tiếp tham gia tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, hội viên và Nhân dân và Hội Luật gia tỉnh đã tổng hợp báo cáo theo yêu cầu của Hội Luật gia Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát xã hội, phản biện xã hội và công tác xây dựng, ban hành VBQPPL vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Chưa phát huy hết nguồn lực trong việc tham gia xây dựng pháp luật, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần lấy ý kiến ít được gửi đến tổ chức Hội nên không có cơ sở để các tổ chức Hội tham gia. Theo quy định hiện hành, thì có các hình thức phản biện xã hội, như: Tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội. Tuy nhiên, các hình thức do Hội thực hiện còn ít, chất lượng hiệu quả chưa cao… Việc giám sát của Hội chủ yếu là tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, còn việc giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét các văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, của Hội viên chưa nhiều; việc tự tổ chức giám sát chưa được thực hiện. Việc tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật chỉ được thực hiện với tư cách đại diện khi có cơ quan Nhà nước yêu cầu, chưa thể hiện tính chủ động của thành viên của Mặt trận. Công tác phản biện xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa có sự giao việc cụ thể từ các cơ quan Nhà nước và thiếu sự chủ động đề xuất nhận việc từ các tổ chức Hội. Ngoài yếu tố chủ quan do một số hội viên chưa thật sự tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ hoặc thiếu kịp thời tham mưu, đề xuất. Nguyên nhân khách quan, đó là, một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi có tổ chức Hội chưa thật sự quan tâm đến công tác Hội, còn thiếu các điều kiện đảm bảo như kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho Hội. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau: Một là: Cần tuân thủ và thực hiện triệt để sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; công khai, minh bạch; không làm ảnh hưởng đến đối tượng giám sát, phản biện. Hai là: Xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm và ban hành văn bản hướng dẫn Hội Luật gia các cấp trong tỉnh tham gia xây dựng pháp Luật bằng nhiều hình thức như: tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật (Dự thảo sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các dự án luật) theo yêu cầu của cấp trên (Hội Luật gia cấp trên; ngành dọc cấp trên …); tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản trước các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các phòng, ban, đoàn thể cùng cấp yêu cầu. Ba là: Khuyến khích Hội Luật gia các cấp trong tỉnh và cá nhân hội viên luật gia căn cứ vào yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các giới, các ngành tham gia vào các dự án luật của Quốc hội qua cổng thông tin điện tử của Quốc hội Việt Nam và cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Các ý kiến tham gia có thể gửi trực tiếp cho Ban soạn thảo dự án luật, đồng thời báo cáo Hội Luật gia cùng cấp và cấp trên để biết, tổng hợp kết quả. Hoặc ý kiến tham gia gửi Hội Luật gia cấp trên tổng hợp chung để gửi cho Ban soạn thảo dự án luật. Các ý kiến tham gia vào các dự án luật và tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các phòng, ban, đoàn thể cùng cấp cần đảm bảo chất lượng, kịp thời. Bốn là: Hội Luật gia và hội viên luật gia các cấp trong tỉnh tiếp tục và tích cực tham gia thẩm định rà soát các văn bản cùng cấp và cấp dưới khi được phân công. Năm là: Hội Luật gia và hội viên luật gia các cấp trong tỉnh tiếp tục và tích cực tham gia các hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương; thông qua hoạt động này để có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các dự án luật, văn bản pháp luật. Sáu là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết từ trong Đảng đến xã hội về tầm quan trọng, vai trò của phản biện xã hội. Gắn nhiệm vụ giám sát, phản biện với việc lắng nghe ý kiến của Nhân dân, góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Có các hình thức lấy ý kiến, điều tra xã hội học phù hợp, tổ chức tham vấn ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, luật gia về những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, làm tăng thêm sự đồng thuận trong xã hội. Bẩy là: Cần làm tốt khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện phản biện xã hội; mời các chuyên gia, các luật gia, thành viên hội đồng tư vấn, người có kinh nghiệm tham gia phản biện xã hội. Các cấp hội và mỗi hội viên luật gia tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương. Tám là: Tích cực chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp và các cơ quan trong việc xây dựng, soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia, phối hợp với công tác chuyên môn để rà soát, thẩm định các văn bản QPPL của các cấp các ngành đã ban hành để kịp thời tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ theo quy định của pháp luật hiện hành./.