Đồng chí Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và đồng chí Lê Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam chủ trì buổi tập huấn. Đại diện đối tác có bà Sarah Devotion Garner, Giám đốc chương trình Việt Nam của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ. GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và đồng chí Nguyễn Văn Nhiên, Chánh Thanh tra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế tham dự và giới thiệu về: Thực trạng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam hiện nay; vị trí, vai trò của Luật an toàn thực phẩm trong hệ thống pháp luật Việt Nam; Những nội dung cơ bản của Luật An thực phẩm, dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và dự thảo Nghị định Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Phát biểu tại buổi khai mạc, đồng chí Phạm Quốc Anh khẳng định, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước Việt Nam từ lâu đã đặc biệt quan tâm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế-xã hội, về an toàn xã hội, sức khoẻ cộng động, về bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đánh giá đúng đắn về vai trò quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân, một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao tầm vóc và thể chất của con người Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, do vậy, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên chỉ đạo và đưa ra các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, điển hình như: Nghị quyết số 46 năm 2005 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về 03 năm thực hiện Nghị quyết số 46; Nghị quyết số 34 năm 2009 của Quốc hội khóa 12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, năm 2007, Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phải từng bước tuân thủ các hiệp định của Tổ chức này, trong đó có các dịch vụ về y tế bao gồm: Hiệp định về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), Hiệp định về áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS), Hiệp định về các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) và Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATS).
Luật An toàn thực phẩm được ban hành để thay thế Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; đồng thời khắc phục được những bất cập như: sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp trong các văn bản quy phạm pháp luật, có các vấn đề nảy sinh nhưng chưa có văn bản quy định; Luật cũng làm rõ hơn các khái niệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các quy định về các loại thực phẩm; khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm; bổ sung các quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, quản lý nguy cơ, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc thực phẩm.v.v..
Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tập huấn về kỹ năng tham gia xây dựng pháp luật cho Hội Luật gia các |
Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tập huấn về kỹ năng tham gia xây dựng pháp luật cho Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường lực trợ giúp pháp lý và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho Hội Luật gia Việt Nam” do Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) tài trợ, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Công văn số 2811/VPCP-QHQT ngày 05/5/2011. Trong hai ngày, 21-22/9/2011, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Tập huấn về kỹ năng tham gia xây dựng pháp luật cho các Luật gia đến từ Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến dự và chủ trì buổi Tập huấn có Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Về phía nhà tài trợ có Bà Sarah Devotion Garner, Giám đốc chương trình Việt Nam của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ. Diễn giả là các chuyên gia đến từ Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tổ chức UNDP và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI).
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, việc dân chủ hoá, thu hút sự tham gia có hiệu quả của các chủ thể trong xã hội vào hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật, trong đó có các tổ chức ngoài nhà nước, các tổ chức xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học để vươn tới bảo đảm một trong những tính chất và yêu cầu đối với pháp luật là minh bạch, khả thi là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2008.
Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tham gia xây dựng pháp luật là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Hội Luật gia Việt Nam được quy định trong Điều lệ Hội đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, đây cũng là một trong những nhiệm vụ đặc thù theo quy định của Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Hội Luật gia có vai trò nhất định và có cơ sở về mặt chính trị - pháp lý để phát huy sự tham gia của mình vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, hướng tới mục tiêu chung về phát triển đất nước mà Đảng và nhà nước Việt Nam đã đề ra.
Xây dựng pháp luật là một quá trình luật định với các giai đoạn được tiến hành theo một trật tự nhất định, trong đó, sự tham gia của Hội Luật gia Việt Nam được thực hiện trong các bước của quy trình xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Sáng kiến pháp luật; Tham gia xây dựng dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; Soạn thảo dự án luật, pháp; Tham gia ý kiến vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Tham gia hoàn thiện pháp luật thông qua việc tập hợp, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.
Sự tham gia của các luật gia, nhà khoa học, hiệp hội của giới luật không còn chỉ dừng ở mức độ khuyến khích, động viên mà được nhận thức như nghĩa vụ của người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và là yếu tố bảo đảm hiệu quả của quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Để hoạt động tham gia xây dựng pháp luật có hiệu quả cao, Hội cần đến một đội ngũ luật gia có trình độ cao, kiến thức pháp luật sâu, rộng và kỹ năng thực hiện tốt. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi nhanh chóng, với những nhiệm vụ mới mẻ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta thì những hoạt động đó càng trở nên phức tạp, luôn cần tư duy và kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng mới.
Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, làm giàu thêm kiến thức sẽ giúp Hội Luật gia Việt Nam không ngừng bổ sung và hoàn thiện đội ngũ của mình nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thực tiễn.