Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV, ĐBQH đoàn Bình Dương, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn nêu rõ, Hội Luật gia Việt Nam đánh giá rất cao việc tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường sự gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với thực tiễn thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn cho biết, Hội Luật gia Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đang thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp được đề ra, tổ chức hiệu quả công tác lấy ý kiến các cấp Hội vào công tác xây dựng pháp luật.
Về thực hiện Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 31/12/2022.
Hiện nay, Hội Luật gia Việt Nam hiện đang tích cực triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trọng tài thương mại (sửa đổi), các dự thảo 2 của Hồ sơ đã hoàn thành.
Thời gian tới Hội sẽ tổ chức các cuộc hội thảo; gửi hồ sơ xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
“Về cơ bản, việc triển khai nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam đã được các cơ quan, tổ chức hữu quan hết sức quan tâm và phối hợp chặt chẽ với tinh thần, trách nhiệm cao. Do đó, việc triển khai nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và yêu cầu đặt ra”, Phó Chủ tịch Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Đối với việc xây dựng Luật Trọng tài thương mại (sửa đổi), Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết việc xây dựng luật là cần thiết nhằm thể chế hoá chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước về Trọng tài thương mại đã được nêu trong Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Về cơ sở thực tiễn xây dựng luật Trọng tài thương mại (sửa đổi), ông Trần Công Phàn cũng nêu rõ, sau 12 năm thi hành Luật, các tổ chức trọng tài và trọng tài viên phát triển cả về số lượng và chất lượng; số lượng vụ tranh chấp giải quyết thông qua trọng tài có xu hướng ngày một tăng; lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú, gồm các giao dịch mua bán hàng hóa, xây dựng, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, tài chính ngân hàng… nội dung giải quyết tranh chấp tại các Trung tâm trọng tài cũng đa dạng và giá trị tranh chấp ngày càng cao.
Với những kết quả đã đạt được, hoạt động trọng tài thời gian qua đã góp phần giảm tải hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập về: Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại; thủ tục tố tụng trọng tài thương mại; thẩm quyền của Hội đồng trọng tài và vấn đề hủy phán quyết trọng tài, xem xét lại quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài…
Về kinh nghiệm quốc tế, theo ông Trần Công Phàn, Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc gia nhập WTO từ năm 2006 và hàng chục hiệp định thương mại tự do. Trong nền kinh tế toàn cầu, giải quyết tranh chấp lựa chọn đang là xu thế phổ biến và mạnh mẽ. Đặt trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tăng cường tính cạnh tranh ở khía cạnh đảm bảo giải quyết tranh chấp thương mại cả trong nước lẫn tranh chấp quốc tế nhanh, hiệu quả và bình đẳng.
Luật Trọng tài thương mại Việt Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu mặc dù đã tiếp nhận các nguyên tắc cơ bản của Luật mẫu UNCITRAL, gây bất lợi cho Việt Nam dẫn đến các tổ chức trọng tài của Việt Nam không nhận được sự lựa chọn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài khi ký kết thỏa thuận trọng tài để giải quyết tranh chấp phát sinh, họ thường chọn trọng tài Singapore, Hồng Kông... Như vậy, việc giải quyết tranh chấp phải ra nước ngoài sẽ gây ra những khó khăn nhất định.
Việc xây dựng dự án Luật cũng nhằm nâng cao năng lực của các Trung tâm trọng tài, đội ngũ trọng tài viên đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và doanh nghiệp.
Xây dựng cơ chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của trọng tài thương mại….
Về nhiệm vụ lập pháp mới để thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn cho biết, Hội được phân công tổng kết, đánh giá thi hành Luật Trưng cầu ý dân.
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Luật Trưng cầu ý dân đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với bản chất của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;
Tuy nhiên, từ khi Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực đến nay (7 năm), chúng ta chưa tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nào, do vậy không có cơ sở thực tiễn để đánh giá, tổng kết. Do đó, kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục có ý kiến chỉ đạo....
Nguồn tin: www.nguoiduatin.vn