Chi hội Luật gia Sở Tư pháp với công tác tham gia xây dựng pháp luật và các văn bản Quy phạm pháp luật của tỉnh từ năm 2014 - 2019
hoiluatgia
2019-08-14T14:55:19+07:00
2019-08-14T14:55:19+07:00
https://hoiluatgia.laichau.gov.vn/index.php/Tin-tu-cac-Chi-hoi/chi-hoi-luat-gia-so-tu-phap-voi-cong-tac-tham-gia-xay-dung-phap-luat-va-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat-cua-tinh-tu-nam-2014-2019-315.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Hội Luật gia tỉnh Lai Châu
https://hoiluatgia.laichau.gov.vn/uploads/logohlg.png
Như chúng ta đã biết công tác xây dựng và ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động quản lý của nhà nước, là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Văn bản quy phạm pháp luật là kết quả của sự thể hiện ý chí, quyền lực nhà nước của các cơ quan hoặc của cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản. Do vậy công tác tham gia xây dựng pháp luật và các văn bản QPPL có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực tại địa phương; đồng thời cũng góp phần triển khai thực hiện tốt những quy định của Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn tỉnh, là công cụ hữu hiệu để tỉnh ta đưa pháp luật vào cuộc sống.
Trong 5 năm vừa qua, các Chi hội viên của Chi Hội Luật gia Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến vào nhiều dự thảo Luật theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và theo yêu cầu của HĐND, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh như: Luật Đất đai sửa đổi, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi; dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đối); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đối); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đối); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu giá tài sản; ... Bên cạnh việc tham gia, tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật như trên, trong 5 năm vừa qua, các chi hội viên của Chi hội luật gia Sở Tư pháp còn tham gia ý kiến vào 215 dự thảo văn bản khác do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh soạn thảo, các ý kiến tham gia có chất lượng, dựa trên các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh, trên cơ sở đó các cơ quan soạn thảo văn bản đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện hơn các dự thảo văn bản theo hướng khoa học, lô gíc, tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước cấp trên và phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Đặc biệt trong 5 năm vừa qua, các Chi hội viên của Chi hội luật gia Sở Tư pháp đã tiến hành thẩm định 535 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các loại do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua hoặc trước khi trình UBND tỉnh xem xét, ban hành, đạt 100% số lượng các dự thảo được yêu cầu thẩm định. Các ý kiến thẩm định đều dựa trên căn cứ pháp lý là quy định trong các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên đang có hiệu lực thi hành, đồng thời bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, có tính khoa học, tính phản biện cao, về cơ bản đã được các cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo các văn bản trước khi trình UBND tỉnh ban hành hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh thông qua, giúp cho chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh được nâng lên, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, công tác thẩm định văn bản, tham gia ý kiến của Sở Tư pháp được HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đánh giá cao về chất lượng, nội dung. Đây là một trong những mặt công tác mạnh nhất của Sở Tư pháp trong thời gian qua.
Từ những kết quả nêu trên, Chi hội Luật gia Sở Tư pháp rút ra một số bài học kinh nghiệm, như sau:
Một là, để phát huy tốt vai trò của Luật gia Sở Tư pháp trong tham gia xây dựng pháp luật và các văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, Chi hội Luật gia Sở Tư pháp xác định trước hết cần phát huy tốt về trí tuệ, chuyên môn, kinh nghiệm, trách nhiệm của mỗi Luật gia trong hoạt động này.
Hai là, việc tham gia xây dựng pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề xây dựng pháp luật là những việc khó đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ trong đó mỗi Luật gia cần phải có nền tảng kiến thức vững vàng về luật và pháp luật chuyên ngành, sự hiểu biết sâu rộng về kiến thức xã hội. Vì vậy trước hết mỗi Luật gia phải tự hoàn thiện và nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các thông tin, kiến thức để phục vụ cho công tác chuyên môn cũng như các hoạt động của Hội. Đồng thời mỗi luật gia cần nâng cao ý thức và nhận thức rõ việc tham gia ý kiến xây dựng pháp luật vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người công dân đối với nhà nước.
Ba là, Việc tham gia ý kiến xây dựng pháp luật là phương thức hữu hiệu để phát huy vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tầng lớp Nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước, thể hiện bản chất dân chủ của chế độ, tạo lên sự đồng thuận xã hội là tiền đề cho việc xây dựng, ban hành chính sách pháp luật hợp lòng dân, hợp thực tiễn và tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách, pháp luật sau khi được ban hành tránh trường hợp sau khi văn bản pháp luật được ban hành khó đi vào thực tiễn hoặc sớm phải sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, cần phát huy và nhân rộng việc tham gia này trong toàn tỉnh, mà trước hết là sự tham gia của đông đảo hội viên Hội luật gia ở các cấp hội trong toàn tỉnh.