Kính thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa toàn thể Đại hội!
Được sự phân công của Ban thường vụ Hội luật gia tỉnh Lai Châu, tôi xin trình bày trước Đại hội báo cáo chuyên đề về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả về xây dựng pháp luật”
Như chúng ta biết, một trong những nhiệm vụ quyền hạn quan trọng của Hội Luật gia đó là việc tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật (đề xuất ý kiến xây dựng pháp luật, trực tiếp tham gia soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp trên yêu cầu và hướng dẫn của Trung ương Hội luật gia Việt Nam); ngoài ra còn tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật; kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.... Trong phạm vi hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Hội luật gia tại địa phương thì chủ yếu là hoạt động tham gia ý kiến vào các dự án Luật, pháp lệnh, các văn bản QPPL của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và văn bản QPPL của HĐND, UBND ban hành.
Tham gia vào dự thảo văn bản QPPL là việc thực hiện quyền dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Dự thảo văn bản QPPL cũng nhưn các vấn đề quan trọng khác của đất nước cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân trước khi ban hành, đây cũng là điều kiện để các tầng lớp nhân dân, đối tượng được lấy ý kiến và các tổ chức, cá nhân được tiếp cận trước các chính sách pháp luật của nhà nước để khi pháp luật được ban hành sẽ dễ đia vào cuộc sống.
Việc tham gia s kiến xây dựng pháp luật là phương thức hữu hiệu để phát huy vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước, thể hiện bản chất dân chủ của chế độ, tạo lên sự đồng thuận xã hội là tiền đề cho việc xây dựng, ban hành chính sách pháp luật hợp lòng dân, hợp thực tiễn và tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách, pháp luật sau khi được ban hành tránh trường hợp sau khi văn bản pháp luật được ban hành khó đi vào thực tiễn hoặc sớm phải sửa đổi, bổ sung.
Theo quy định của pháp luật và cụ thể là Hiến pháp, Luật ban hành văn bản QPPL và các văn bản pháp luật khác thì việc lấy ý kiến nhân dân và đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản QPPL là một trong những điều kiện bắt buộc trong trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Tuy nhiên ngoài việc lấy ý kiến của nhân dân và đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản QPPL thì lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia về luật (trong đó có các Luật gia), các nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành; những người công tác thực tiễn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp… có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết (Thực tế cho thấy hoạt động xây dựng và ban hành chính sách pháp luật của nhà nước ta đều có sự đóng góp to lớn từ đội ngũ những chuyên gia về luật và các nhà khoa học hoạt động trên nhiều lĩnh vực của xã hội, nhất là trong điều kiện hiện nay đa số đại biểu trong cơ quan lập pháp (Quốc hội) hoạt động kiên nhiệm, vì vậy có những vấn đề đại biểu nắm không vững cần được tham vấn) bởi các chuyên gia có thể tham gia vào bất cứ giai đoạn nào của quá trình xây dựng pháp luật, từ việc phân tích chính sách đến việc trực tiếp soạn thảo, tham gia đánh gia…
Việc tiếp cận và tham gia góp ý kiến phản biện các các văn bản QPPL của cá nhân, tổ chức …là điều kiện quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật, nó góp phần phát hiện được những sai sót, bất cập trùng lặp hoặc thiểu số cũng như kẽ hở trong quy định của văn bản đó. Bên cạnh đó còn khắc phục được tình trạng áp đặt chính sách pháp luật, loai bỏ bất cập, quy định không phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Để phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia tỉnh Lai Châu trong hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của nhà nước trước hết cần phát huy tốt về trí tuệ, trách nhiệm của mỗi Luật gia trong hoạt động của tổ chức hội. Việc tham gia xây dựng pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề xây dựng pháp luật là những việc khó đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ trong đó mỗi Luật gia cần phải có nền tảng kiến thức vững vàng về luật và pháp luật chuyên ngành, sự hiểu biết sâu rộng về kiến thức xã hội. Vì vậy trước hết mỗi Luật gia phải tự hoàn thiện và nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các thông tin, kiến thức để phục vụ cho công tác chuyên môn cũng như các hoạt động của Hội, đồng thời mỗi luật gia cần nâng cao ý thức và nhận thức rõ việc tham gia ý kiến xây dựng pháp luật vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người công dân đối với nhà nước.
Như vậy theo tôi, để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội luật gia tỉnh trong thời gian tới trong đó cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động tham gia xây dựng pháp luật, đặc biệt tập trung quan tâm ba vấn đề quan trọng đó là:
Thứ nhất: Cần quan tâm kiện toàn tổ chức hội, sớm ổn định và duy trì hoạt động thường xuyên của Hội, nâng cao vai trò và vị trí của Hội trong hệ thống Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cấp uỷ, Chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan, sự ủng hộ của Trung ương HLG Việt Nam đối với hoạt động của Hội.
Thứ hai: Quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng nghiên cứu, tham gia ý kiến vào dự thảo VBQPPL, trong đó chú trọng về kỹ năng báo cáo viên pháp luật của Luật gia. Việc tham gia xây dựng pháp luật hay cụ thể hơn và tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản QPPL đòi hỏi người tham gia phải có những hiểu biết nhất định về những nội dung mà dự thảo văn bản QPPL đó điều chỉnh và phải có những kỹ năng cần thiết để phân tích, so sánh liên hệ thực tiễn, từ đó có những ý kiến tham gia vừa sát thực vừa trúng với nội dung vừa mang tính phản biện, có như vậy văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba: Thường xuyên đổi mới phương pháp tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản pháp luật như: đa dạng hoá về hình thức tham gia ý kiến. Tuỳ từng văn bản pháp luật cụ thể để thực hiện các hình thức lấy ý kiên một cách phù hợp, ví dụ như đối với văn bản QP pháp luật có đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh rộng liên quan đến nhiều tầng lớp nhân dân thì có thể tổ chức lấy ý kiến tham gia của tất cả các luật gia thông qua hình thức tổ chức hội nghị tham gia trực tiếp, còn đối với các văn bản có đối tượng và phạm vi điều chỉnh hẹp hay các văn bản luật mang tính chuyên sâu, chuyên ngành thì chỉ lấy ý kiến của các luật gia có am hiểu về lĩnh vực chuyên sâu, chuyên ngành đó. Đổi mới về cách thức tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản pháp luật theo một trình tự chung nhất từ những vấn đề chung nhất như: sự cần thiết bàn phải ban hành văn bản QPPL; bố cục của văn bản; mối quan hệ của văn bản đó trong hệ thống văn bản QPPL của nhà nước..đến các vấn đề cụ thể như đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh, các điều, khoản, điểm, ngôn ngữ, kỹ thuật xây dựng văn bản….
Trên đây là một số ý kiến tham luận của tôi, mong được sự góp ý của các đại biểu và Đại hội.
Cuối cùng tôi xin được kính chúc sức khoẻ các đại biểu, chúc Đại hội Hội luật gia tỉnh Lai Châu khoá I nhiệm kỳ 2009 – 2014 thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!