Trong thời gian qua, Hội Luật gia tỉnh Lai Châu thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương.
Hội Luật gia tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc đến Hội luật gia các cấp trong tỉnh và hội viên Luật phổ biến giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; Kết luận số 04 -KL/TW ngày 19/4/2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Luật PBGDPL và các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương về công tác phổ biến pháp luật, các Kế hoạch của tỉnh về phổ biến giáo dục pháp luật.
Xây dựng và tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác giữa ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh Lai Châu về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Sở Tư pháp và Hội Luật gia giai đoạn 2018-2023; chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2023 nhằm phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nội dung chủ yếu như Luật đất đai, Luật hôn nhân gia đình; Luật Lao động; Luật xử phạt vi phạm hành chính; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hòa giải cơ sở; Luật phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật phòng, chống Ma túy….
Trên cơ sở các kế hoạch PBGDPL hàng năm, Hội Luật gia tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng; của Đảng bộ Tỉnh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI; XII; XII); Các Kết luận Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI; XII; XIII), các cuộc Bầu cử Quốc hội; HĐND các cấp; thông tin nhanh một số tình hình nổi bật trong nước và quốc tế... để người dân nắm vững, hiểu rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong các Nghị quyết, Kết luận để thực hiện và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về công tác quốc phòng - an ninh; Bảo vệ Bí mật nhà nước nhằm tăng cường giáo dục kiến thức Quốc phòng tạo ý thức tự giác và tinh thần cảnh giác cao, không mắc mưu kẻ địch, phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021; Công văn số 198/HLGVN ngày 20/7/2017 của Hội Luật gia Việt Nam về thực hiện “Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp giai đoạn 2017 – 2021”; Kế hoạch của UBND tỉnh: số 112/KH-PBGDPL ngày 30/01/2013, về công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013; số 597/KH-UBND ngày 29/5/2013, Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 05/4/2013 của BTV Tỉnh uỷ “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu"; Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 14/01/2013 của UBND tỉnh PBGDPL về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đến năm 2016; Kế hoạch số 597/KH-UBND, ngày 29/5/2013 của UBND tỉnh về triển kghai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 05/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 1039/KH-UBND, ngày 19/8/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án II của Chính phủ về “củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển của đất nước” giai đoạn 2013-2016; Kế hoạch số 1203/KH-UBND, ngày 06/9/2013 của UBND tỉnh về tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013-2015; Quyết định số 719-QĐ/UBND ngày 12/7/2017 của UBND tỉnh Lai Châu về việc ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Hội Luật gia tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-HLG ngày 08/8/2017 của Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh về thực hiện Đề án: “Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 – 2021”; văn bản của UBND tỉnh về triển khai “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh Lai Châu hàng năm... Đặc biệt, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, quan điểm, chính sách lớn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với người dân vùng sâu vùng xa, tuyên truyền những kết quả đạt được của Quốc hội khóa XIV, XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; 2021 - 2026 trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh. Kết quả, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thấy rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp qua các nhiệm kỳ, nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia cuộc bầu cử để ngày Bầu cử là Ngày hội của toàn dân. Hội Luật gia tỉnh đã cụ thể hóa kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm; báo cáo kết quả triển khai thực hiện hàng năm và chuyên đề gắn với kế hoạch đề ra.
Hội Luật gia tỉnh Lai Châu đã tổ chức 3.803 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho 270.710 lượt người; viết và đăng tin, bài đăng trên cuốn thông tin và Website Hội Luật gia tỉnh Lai Châu. Nội dung tuyên truyền PBGDPL tập trung vào các văn bản pháp luật mới ban hành, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thực tiễn thi hành, áp dụng pháp luật, gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
Hội Luật gia các cấp biên soạn và phát hành 04 quyển sách tìm hiểu pháp luật; 148.244.850 cuốn thông tin, tài liệu hỏi - đáp và tờ gấp pháp luật về đề cương tuyên truyền pháp luật; tài liệu tập huấn đến các xã, phường, thị trấn và người dân thôn, bản; Tài liệu hỏi - đáp pháp luật; sổ tay pháp luật phổ biến cho nhân dân, tài liệu hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Đặc xá, Luật phòng chống mua bán người, Luật phòng chống tham nhũng…
Hằng năm, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, liên quan tới nhiều đối tượng trong xã hội cho hội viên và các tầng lớp cán bộ, Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Website Hội Luật gia tỉnh Lai Châu, mạng xã hội… phù hợp với các đối tượng, góp phần tạo sự chuyển biến và hiệu quả rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như hình sự, dân sự, an toàn giao thông, giảm các tệ nạn xã hội, giảm các mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng dân cư; tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng tại các trại giam đóng trên địa bàn tỉnh vào các dịp đặc xá, giảm án tha tù trước thời hạn; phổ biến, tư vấn lưu động pháp luật về đất đai. Hội Luật gia các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm công tác Hội Luật gia theo phương châm “Đưa pháp luật về cơ sở và giúp người dân tiếp cận pháp luật”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc vẫn còn mang tính thời sự, nặng về phong trào; việc phổ biến hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành; các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đại chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Lực lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là ở cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế và chưa đồng đều. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do những hạn chế của hệ thống pháp luật như: Các văn bản pháp luật còn thiếu cụ thể, rõ ràng, còn có sự trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn nhau; nhiều văn bản thiếu tính khả thi; tính ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao. Mặt khác, tình trạng văn bản của nhà nước cấp trên đã ban hành nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp dưới vẫn còn, làm cho pháp luật không đi ngay vào cuộc sống. Tình trạng Luật, Pháp lệnh phải chờ Thông tư là một thực tế làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chậm trễ, khó triển khai. Kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngoài việc thực hiện các biện pháp đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, củng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đặc biệt là kinh phí để triển khai công tác truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và đối tượng học sinh giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự điều chỉnh hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương./.