KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC
Luật gia. Thanh Vân
2023-12-18T11:01:00+07:00
2023-12-18T11:01:00+07:00
https://hoiluatgia.laichau.gov.vn/index.php/Tin-tu-Hoi-luat-gia-Lai-Chau/kho-khan-va-giai-phap-nang-cao-chat-luong-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cho-dong-bao-dan-toc-448.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Hội Luật gia tỉnh Lai Châu
https://hoiluatgia.laichau.gov.vn/uploads/logohlg.png
Hiện nay, Việt Nam có hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước, Vẫn còn đồng bào dân tộc trình độ dân trí còn thấp, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ..., nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật.
Vì vậy, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là rất cần thiết do đồng bào dân tộc thiểu số có những đặc thù riêng như: Đồng bào DTTS còn chịu ảnh hưởng và chủ yếu ứng xử, giải quyết các quan hệ theo truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng, miền; Chưa chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; khả năng nhận thức và hiểu biết pháp luật không đồng đều; Thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, biến đổi khí hậu; lối sống chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nền kinh tế tiểu nông và những điều kiện sinh hoạt trong nông nghiệp, nông thôn, canh tác phụ thuộc vào mùa vụ. Tính đoàn kết cộng đồng cao, lao động cần cù và lạc quan trong cuộc sống. Lối sống coi trọng con người, trọng tình cảm, trọng đạo đức, trọng danh dự, trọng danh tiếng, trọng người cao tuổi.
Thực tế hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bộc lộ một số hạn chế, cụ thể là:
- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; một số địa phương chưa thực sự chú trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
- Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đội ngũ báo cáo viên pháp luật biết ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
- Nguồn lực phục vụ cho tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án liên quan đến PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khiêm tốn. Chưa cập nhật tin, bài, tiểu phẩm tuyên truyền, vận động, câu chuyện pháp luật, bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số hỗ trợ các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số. Đây lại là hoạt động đảm bảo người dân dễ tiếp cận, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, phát huy được ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số nên dễ hiểu, dễ nhớ, vận dụng sáng tạo, lồng ghép việc PBGDPL phù hợp với bản sắc văn hoá, tập quán của từng dân tộc, vùng miền.
- Một số nơi, nội dung PBGDPL chưa sát với nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số; hình thức PBGDPL chưa phong phú, đa dạng; chưa nhân rộng được hình thức PBGDPL có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của Nhân dân.
- Các hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa và tổ chức truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh - truyền hình còn rất khiêm tốn.
Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế nêu trên và đòi hỏi của thực tiễn trong giai đoạn mới, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục phát huy vai trò, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ các cấp, các ngành và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong PBGDPL nói chung, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng gắn với vận động quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Hai là, Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác PBGDPL; ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL; ban hành “chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL” theo quy định tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 3 Điều 17 Luật PBGDPL để xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng và huy động lực lượng này tham gia PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng chính sách đãi ngộ, thu hút các em sinh viên là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các cơ sở đào tạo luật trong nước và nước ngoài về công tác và làm việc tại các cơ quan pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên bố trí làm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo triển khai PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số có trọng tâm, trọng điểm, nội dung, hình thức phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Đặc biệt, cần có cơ chế huy động mạnh mẽ hơn nữa lực lượng Bộ đội biên phòng tham gia công tác PBGDPL ở vùng sâu, vùng xa.
Bốn là, xây dựng mô hình PBGDPL đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số có hiệu quả. Tích cực học tập kinh nghiệm, nghiên cứu mô hình PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số của các nước trên thế giới để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Đối với người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông phải PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tờ gấp pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số.... Việc tổ chức PBGDPL phải được thực hiện đến tận thôn, bản, thậm chí đến từng nhà để tiếp cận trực tiếp với người dân. Có như vậy, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số mới có điều kiện để nghe giới thiệu các văn bản pháp luật.
Năm là, tăng cường năng lực và kỹ năng PBGDPL chuyên biệt cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động PBGDPL đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Mở rộng mạng lưới người tham gia PBGDPL là cán bộ, công chức có kinh nghiệm công tác tại các cơ quan pháp luật đã nghỉ hưu (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân ...) hoặc người am hiểu pháp luật đang công tác tại Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, các tổ chức chính trị, xã hội như: Luật sư, Luật gia; người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản…
Tám là, tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ, trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ hiệu quả, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số./.
Tác giả: Luật gia. Thanh Vân