Chủ nhật, 28/04/2024, 22:10

Hội Luật gia tỉnh Lai châu tổng kết 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở

Thứ sáu - 25/08/2023 11:08 687 0
Trong 10 năm qua Hội Luật gia các cấp tỉnh Lai Châu đã triển khai, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp ban hành. Các văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên và công tác hòa giải ở cơ sở.
Toàn tỉnh có 954 tổ hòa giải với 5.234 hòa giải viên, trong đó: 126 hòa giải viên là hội viên luật gia. Thành phần tổ hòa giải thường có Trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư Chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc, trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, bản, tổ dân phố, hội viên luật gia, người có uy tín trong cộng đồng dân cư...
Ủy ban nhân dân cấp xã đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức của các tổ hòa giải, mạng lưới hòa giải viên theo đúng quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, 100% tổ hòa giải được kiện toàn ở các thôn, bản, tổ dân phố; hàng năm, đội ngũ hòa giải viên được rà soát, kiện toàn đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở.
Trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (2014 - 2023), Hội Luật gia các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 2.482 vụ việc cho  2.557 người, hòa giải thành 2.024 vụ ( đạt 82%). Nội dung hòa giả là những mâu thuẫn, tranh chấp phổ biến được hòa giải ở cơ sở chủ yếu thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, lao động sản xuất tại cộng đồng dân cư…
Số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, quy tụ lực lượng nòng cốt có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả; đồng thời, bảo đảm được sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, đoàn thể của nhân dân trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày một tốt hơn, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn. Những tấm gương điển hình xuất sắc, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nhiều, góp phần đề cao giá trị nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của công tác hòa giải ở cơ sở.
Cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, sự nhiệt tình của các hòa giải viên nên phần lớn các tổ hòa giải đều hoạt động có hiệu quả. Việc đưa Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành thật sự đi vào đời sống, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư.
Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên, sở ban ngành liên quan với cơ quan tư pháp trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở 10 năm qua có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải; trong tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Ủy ban MTTQVN các cấp còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các sở ngành liên quan tích cực tuyên truyền pháp luật về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở đến các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị, tờ rơi, tờ gấp, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trong các cuộc họp chi, tổ, hội..
Như vậy, Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành đã tạo bước chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở; là cơ sở pháp lý hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên; việc kiện toàn các tổ hòa giải, hòa giải viên và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên  được quan tâm thực hiện; kịp thời động viên, khuyến khích các hòa giải viên tham gia hoạt động hòa giải; tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác hòa giải.
Việc triển khai thực hiện Luật đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Các tổ hòa giải ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn bảo đảm thành phần, số lượng, dân tộc, giới tính theo quy định của Luật. Tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở đã đi vào nề nếp, tương đối ổn định, công tác hòa giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh đều chiếm trên 80%góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, giữ gìn tình đoàn kết trong Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác kiểm tra, thống kê, báo cáo, theo dõi tình hình biến động về tổ chức cũng như chất lượng hòa giải cơ sở, tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở,… ở một số cơ sở còn chưa thường xuyên, kịp thời.
Việc hỗ trợ, đặc biệt là nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ quản lý  công tác hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, do đó chưa tạo được động lực, khuyến khích và chưa thu hút được nhiều lực lượng thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
 Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế nhất định, nhiều hòa giải viên lớn tuổi làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, còn tâm lý ngại va chạm nên chưa mạnh dạn trong quá trình hòa giải các vụ việc, áp dụng chưa đầy đủ các quy định của pháp luật vào quá trình hòa giải. Hoạt động hòa giải đôi khi còn mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa chủ động, linh hoạt; một số hòa giải viên còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, chưa thực sự tâm huyết, nhiệt tình, ngại va chạm trong việc giải quyết các vụ việc. Đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã số lượng ít, phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn nên thời gian dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi các phong tục, hủ tục lạc hậu nên phần nào cũng hạn chế hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một số quy định của Luật chưa phù hợp, còn khó khăn khi thực hiện trên thực tế.
Trong triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở đã rút ra được bài học kinh nghiệm như:
Thứ nhất, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này trong đời sống xã hội, để Nhân dân lựa chọn sử dụng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn.
Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác hòa giải ở cơ sở; cần nhìn nhận, một cách toàn diện vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở  để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Thứ ba, chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường chỉ đạo hoạt động của các tổ hòa giải; thường xuyên rà soát, củng cố và kiện toàn tổ hòa giải phù hợp với đặc thù của từng địa phương; có giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có uy tín, hiểu biết pháp luật, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết tham gia vào tổ hòa giải; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Thứ tư, định kỳ kiểm tra, đánh giá hoạt động hòa giải ở cơ sở; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở, chi trả đúng, đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách cho các vụ việc hòa giải; khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, gương sáng điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở; bố trí đủ nguồn lực hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở cũng như trong bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Với những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Hội Luật gia tỉnh Lai Châu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong triển khai, thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở như sau:
- Tăng cường rà soát, hệ thống hóa các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận tiện cho hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ.
- Nâng cao nhận thức và tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải; tăng cường sự phối hợp của các ngành, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia phối hợp với các Tổ hòa giải.
- Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên, nhằm tạo mạng lưới hòa giải viên làm tốt công tác hòa giải, có hiểu biết pháp luật và kỹ năng truyền đạt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; cung cấp tài liệu hướng dẫn cho đội ngũ hòa giải viên để hòa giải viên thường xuyên được cập nhật các văn bản mới ban hành; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải.
- Tiếp tục đầu tư cho việc biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải. Duy trì thường xuyên chế độ kiểm tra, báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động hoà giải; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực, hoạt động hiệu quả.
- Quan tâm bố trí kinh phí cho hòa giải ở cơ sở theo quy định.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế hòa giải ở cơ sở, nhất là các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên; phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong công tác hòa giải ở cơ sở; đảm bảo đồng bộ thống nhất giữa Luật Hòa giải và văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đối với công tác hòa giải; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động này.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở; triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tạo thói quen về nhu cầu tự tìm hiểu pháp luật của Nhân dân, từ đó hạn chế vi phạm pháp luật, tự giải quyết những va chạm, mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống thường ngày. Thông qua hoạt động hòa giải thực hiện tốt chức năng giáo dục, giải đáp pháp luật cho Nhân dân. Huy động các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên.
- Tăng cường rà soát, hệ thống hóa các quy định của pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải viên vận dụng trong quá trình hoạt động. Quan tâm, chú trọng việc tập hợp, hệ thống hóa các quy định trong từng lĩnh vực pháp luật, từ đó phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên tổ hòa giải nghiên cứu, tìm hiểu để vận dụng có hiệu quả trong quá trình tiến hành vụ việc hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng vụ việc./.

Tác giả: Luật gia. THL

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

14-CT/TW

Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới

Thời gian đăng: 15/07/2022

lượt xem: 1442 | lượt tải:275

20/KH-HLG

Kế hoạch phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2022

Thời gian đăng: 08/03/2022

lượt xem: 1269 | lượt tải:338

543/UBND-TH

Về việc tham gia dự án "Tư vấn pháp luật cho phạm nhân và người mới chấp hành xong án phạt tù"

Thời gian đăng: 08/03/2022

lượt xem: 1301 | lượt tải:307

16/KH-HLG

Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022

Thời gian đăng: 08/03/2022

lượt xem: 1614 | lượt tải:483

154/QĐ-HLG

Quyết định thành lập Chi hội Luật gia Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 1830 | lượt tải:520
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Bầu cử QH, HĐND 2021
Tỉnh ủy Lai Châu
laichau.gov.vn
hoiluatgiavn.org.vn
Văn bản quy phạm tỉnh
dichvucong.laichau.gov.vn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 34
  • Hôm nay: 8,420
  • Tổng lượt truy cập: 11,122,406
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down