Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân
Luật gia. THL
2023-12-18T10:55:13+07:00
2023-12-18T10:55:13+07:00
http://hoiluatgia.laichau.gov.vn/index.php/Tin-tu-Hoi-luat-gia-Lai-Chau/chu-truong-chinh-sach-cua-dang-va-phap-luat-cua-nha-nuoc-ve-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cho-nhan-dan-444.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Hội Luật gia tỉnh Lai Châu
http://hoiluatgia.laichau.gov.vn/uploads/logohlg.png
Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đều khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác này; giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định “Trong những năm tới, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời, đề ra yêu cầu “tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật" và nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ“nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”, “… chăm lo, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân...”.
Các yêu cầu trên cùng với các quan điểm, chủ trương, chính sách về PBGDPL của Đảng đã được đề ra tại Chỉ thị số 32-CT/TWngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tạo thành cơ sở chính trị đòi hỏi phải được kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa bằng những giải pháp đổi mới cụ thể.
Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (Kết luận số 80/KL-TW). Trong đó, xác định:
- PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi công dân trong công tác PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
- Đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Kết hợp chặt chẽ công tác PBGDPL với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
-Triển khai công tác PBGDPL gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng; Mặt trận và đoàn thể nhân dân trong công tác PBGDPL.
- Đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Chú ý củng cố đội ngũ người làm công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện PBGDPL kịp thời, thực chất, hiệu quả.
- Nội dung PBGDPL cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể; Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức PBGDPL, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng.
Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2013; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần đưa công tác PBGDPL đi vào nề nếp, bài bản, tạo nên những bước phát triển mới.Để thi hành Luật, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL; Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã ban hành các văn bản để quy định chi tiết trong ngành, lĩnh vực quản lý. Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp đều xác định trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong bảo đảm triển khai thực hiện công tác PBGDPL.
Luật PBGDPL năm 2012 xác định PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác PBGDPL; quan tâm PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù, bao gồm: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.
Luật quy định công dân có quyền được thông tin pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân.
Bên cạnh đó, Luật PBGDPL lấy ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.
Có thể đánh giá, thể chế, chính sách về PBGDPL về cơ bản đã hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ. Nhờ đó, công tác PBGDPL được triển khai bài bản, hiệu quả và thực chất hơn, nội dung và hình thức phong phú hơn, bám sát nhu cầu của người dân và yêu cầu của việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương; gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng, thi hành với bảo vệ pháp luật. Những kết quả mang lại từ thực tiễn đã khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL trong đời sống pháp luật, không chỉ nâng cao nhận thức pháp luật, văn hóa pháp lý của người dân mà còn góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt nam XHCN.