Một số hạn chế của hoạt động trợ giúp pháp lý hiện nay
- Tổ chức bộ máy của hệ thống TGPL chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả so với yêu cầu thực tiễn: Do các trung tâm trợ giúp pháp lý được thành lập theo địa giới hành chính cấp tỉnh, các trợ giúp viên pháp lý chỉ được thực hiện vụ việc trong phạm vi đó nên chưa có sự điều phối, hỗ trợ về nguồn lực giữa các địa phương trong trường hợp có nhu cầu TGPL cao hoặc có nhiều vụ việc phức tạp phát sinh trên cùng một địa bàn. Bên cạnh đó, mặc dù đội ngũ trợ giúp viên pháp lý được đào tạo tương đối bài bản, song nhiều trợ giúp viên pháp lý còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa thực sự tự tin khi thực hiện TGPL trong các vụ việc phức tạp cũng như trong tranh tụng tại phiên tòa.
Mức độ tiếp cận của người dân thuộc diện được TGPL đối với dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước chưa được đầy đủ: Trong nhiều năm qua, các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về TGPL đến với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do hạn chế về khả năng nhận thức, ngôn ngữ, chữ viết nên không ít người chưa biết tới quyền TGPL của mình. Vì vậy, khi có vướng mắc pháp luật, có tranh chấp phát sinh, họ không chủ động liên hệ với các tổ chức TGPL để đề xuất và yêu cầu TGPL theo quy định.
- Chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí chưa đáp ứng yêu cầu: Mặc dù, pháp luật về TGPL đã có quy định tương đối chặt chẽ về quy trình thực hiện một vụ việc TGPL kể từ khi tiếp nhận yêu cầu của người dân cho đến khi kết thúc vụ việc, hơn nữa, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL để làm công cụ cho các cơ quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành về TGPL, các tổ chức TGPL quản lý chất lượng vụ việc cũng như giúp người dân giám sát việc thực hiện TGPL, tuy nhiên, chất lượng vụ việc TGPL hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Qua kiểm tra hàng năm của Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp, ở nhiều nơi, vụ việc tư vấn pháp luật còn rất chung chung, chưa chỉ rõ được người dân vướng mắc ở cái gì, lợi ích gì bị xâm phạm, cũng như chưa đi sâu tìm giải pháp phù hợp để định hướng cho họ cách thức giải quyết. Tình trạng này xảy ra tương đối phổ biến ở các vụ việc tư vấn phát sinh trong các đợt TGPL lưu động về cơ sở, trong khi phương thức TGPL lưu động được sử dụng rộng rãi, được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giúp người dân tiếp cận với TGPL. Chất lượng một số vụ việc tham gia tố tụng cũng chưa đảm bảo, trong nhiều vụ việc hình sự, trợ giúp viên pháp lý chưa tiếp cận và tham gia từ giai đoạn điều tra; việc nghiên cứu hồ sơ vụ án còn sơ sài, qua loa, thiếu sự chủ động của trợ giúp viên pháp lý, luật sư – cộng tác viên trong việc thu thập thêm chứng cứ để các cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết vụ án một cách toàn diện.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Do áp dụng chung mô hình trong toàn quốc mà chưa tính đến đặc thù từng vùng, miền.
- Về mặt thể chế, chính sách, chức danh trợ giúp viên pháp lý còn rất mới mẻ trong nhận thức của người dân. Mặt khác, do TGPL là miễn phí, nên ở một số nơi vẫn còn tình trạng chưa đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện hoạt động này và người được TGPL chưa được coi là khách hàng như đối với hoạt động hành nghề luật sư.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về TGPL còn xơ cứng, thiếu những giải pháp phù hợp với khả năng nhận thức, tâm lý, văn hóa truyền thống của người được TGPL, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Công tác quản lý chất lượng vụ việc TGPL tại các trung tâm TGPL chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn khoán trắng vụ việc cho trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL từ thời điểm thụ lý đơn yêu cầu TGPL, phân công người thực hiện TGPL cho đến khi vụ việc hoàn thành. Việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được quan niệm như đánh giá “việc đã rồi”. Vai trò đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của Cục Trợ giúp pháp lý rất mờ nhạt do Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL phân cấp nhiều việc đánh giá cho các trung tâm. Tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” cộng với căn bệnh thành tích làm cho công tác quản lý, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL ở nhiều địa phương trở nên hình thức.
Một số giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý
Thứ nhất, cần đổi mới nhận thức, tư duy về TGPL. Nhìn nhận dưới giác độ là một loại hình dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý phong phú, đa dạng trong nhân dân, để bảo đảm yêu cầu “tăng khả năng tiếp cận và bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục,… trợ giúp pháp lý”(1) rất cần phải đa dạng hóa các chủ thể cung cấp dịch vụ, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, bao gồm các tổ chức sự nghiệp do Nhà nước thành lập và các doanh nghiệp tư nhân tham gia, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm chất lượng dịch vụ cho người thụ hưởng. Đồng thời, xác định giá dịch vụ pháp lý, trên cơ sở đó, tùy theo từng nhóm đối tượng trong xã hội để xác định những nhóm được miễn phí dịch vụ hoàn toàn, những nhóm được giảm phí và những nhóm thu toàn bộ phí, qua đó bảo đảm bình đẳng giữa các công dân trong việc thụ hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, mở rộng việc TGPL tới tất cả các các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của công dân, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, thương mại để tạo môi trường pháp lý an toàn, là chỗ dựa cho người dân khi tham gia vào thị trường, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp và vi phạm pháp luật. Với quan niệm như vậy, Nhà nước chỉ là người tổ chức, quản lý các dịch vụ pháp lý; ban hành chính sách, pháp luật tạo định hướng, khuôn khổ pháp lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ pháp lý; xác định các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động TGPL. Từng bước thu gọn quy mô của các trung tâm TGPL, xây dựng lộ trình để chuyển mô hình các trung tâm thành các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên; thực hiện ủy quyền việc cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức ngoài Nhà nước. Hình thức này vừa giảm phần đầu tư từ ngân sách, giảm biên chế sự nghiệp, huy động được vốn, kinh nghiệm quản lý của tư nhân, đồng thời Nhà nước vẫn can thiệp trực tiếp và thường xuyên để bảo vệ lợi ích công.
Ngoài ra, nên nhất thể hóa chức danh luật sư và chức danh trợ giúp viên pháp lý, thống nhất chỉ có duy nhất một chức danh luật sư trong thị trường dịch vụ pháp lý.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về TGPL. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã dành riêng một điều quy định về việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phổ biến, tuyên truyền thông qua TGPL lưu động, tư vấn pháp luật. Hàng năm, các trung tâm TGPL tổ chức hàng ngàn đợt TGPL lưu động về cơ sở, đây là điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận và nghe tuyên truyền, phổ biến những đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Tuy nhiên, đối với các đối tượng có tính chất đặc thù thì cũng cần phải có giải pháp đặc thù, bảo đảm truyền tải chính sách, pháp luật đến với họ. Vì vậy, cùng với việc tăng cường các đợt TGPL lưu động về cơ sở thì các trung tâm cũng phải xây dựng nội dung và trực tiếp tuyên truyền pháp luật trong TGPL lưu động bằng cả hai thứ tiếng: Tiếng phổ thông và tiếng của từng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, hiện nay, cùng với việc hoàn thiện chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật v.v… thì số liệu thống kê chi tiết về họ đã được rà soát, công bố định kỳ hàng năm. Vì vậy, các trung tâm TGPL cần phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin về nhóm những người được TGPL, đồng thời in ấn, cấp phát các tờ rơi, tờ gấp bằng cả loại chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số về TGPL gửi tới từng hộ gia đình thuộc diện TGPL thay vì in ấn và cấp phát đại trà như hiện nay. Giải pháp này sẽ thực sự có hiệu quả khi người dân có nhu cầu TGPL phát sinh thì có thể liên hệ ngay với trung tâm TGPL.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế để kiểm soát chất lượng vụ việc TGPL. Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng vụ việc mới chỉ tập trung ở đầu ra của vụ việc mà chưa chú trọng đến toàn bộ quá trình thực hiện TGPL nên các trung tâm TGPL rất khó có giải pháp khắc phục hậu quả những vụ việc kém chất lượng do không còn điều kiện để TGPL tiếp. Vì vậy, bên cạnh việc kiểm tra, thanh tra định kỳ của các cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, cần xây dựng quy trình giám sát chất lượng vụ việc TGPL trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện TGPL ngay từ khi thụ lý đơn yêu cầu cho đến khi kết thúc vụ việc. Xây dựng mô hình giám sát, đánh giá của các chủ thể quản lý (chủ yếu là Cục Trợ giúp pháp lý) gắn kết, có sự tham gia của bên thứ ba là các luật sư có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động TGPL. Từ kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, hàng năm, Cục Trợ giúp pháp lý phải công bố các trung tâm, các tổ chức tham gia TGPL đạt chuẩn về chất lượng dịch vụ, qua đó, một mặt tạo ra thương hiệu cho TGPL, mặt khác giúp cho người dân có cơ sở để lựa chọn tổ chức có uy tín để họ gửi niềm tin và đồng thời tạo căn cứ để các trung tâm đánh giá, xếp hạng trợ giúp viên pháp lý, thúc đẩy họ nâng cao tinh thần trách nhiệm.
Thứ tư, đổi mới cơ chế tài chính đối với các trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.