Do có nhiều mô hình trợ giúp pháp lý, với những quan niệm khác nhau về đối tượng, phạm vi, phương thức và chi phí trợ giúp pháp lý trên thế giới, nên ở mỗi nước đều có quan niệm riêng của mình và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng nói chung các khái niệm của các nước đều thể hiện tính kinh tế, nhân đạo và tính pháp lý của hoạt động trợ giúp pháp lý. Tính kinh tế, nhân đạo thể hiện ở chỗ giúp đỡ cho đối tượng không có khả năng thanh toán cho các chi phí khi tiếp cận với dịch vụ pháp lý. Tính pháp lý của hoạt động trợ giúp pháp lý thể hiện ở chỗ giúp đỡ đối tượng giải quyết các vụ, việc có liên quan đến pháp luật (luật nội dung và luật hình thức...).
Theo Luật trợ giúp pháp lý năm quy định: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác ở Việt Nam xuất phát từ chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước ra đời đã tạo cơ chế cần thiết để người nghèo và người có công với cách mạng có được điều kiện và hoàn cảnh tương tự như người khác trong tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật và góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Phụ nữ chiếm trên 1/2 dân số song lại thường là đối tượng yếu thế, ít được tiếp cận với pháp luật, là nạn nhân của các nạn bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, nghèo đói và phụ thuộc.
Theo pháp luật về TGPL thì chỉ có phụ nữ là người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm HIV, nhiễm chất độc hóa học không nơi nương tựa và người dân tộc sống ở các vùng đặc biệt khó khăn mới được TGPL. Phụ nữ ngoài những đối tượng trên không thuộc diện được TGPL miễn phí, kể cả phụ nữ là nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ, nạn nhân của bạo lực gia đình. Do vậy, việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ và nạn nhân của bạo lực gia đình mới chỉ được triển khai thí điểm ở một số địa phương trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế mà chưa được mở rộng trong phạm vi toàn quốc.
Một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện TGPL cho phụ nữ:
- Năng lực của tổ chức trợ giúp pháp lý và đội ngũ người thực hiện TGPL còn có những hạn chế.
Đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung còn thiếu về số lượng và chưa có kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện TGPL cho phụ nữ. Đặc biệt tỷ lệ người thực hiện TGPL là nữ còn rất ít, chưa có nhiều chuyên gia nữ, lại chưa được trang bị kỹ năng tiếp xúc, tâm lý làm việc với phụ nữ và giải quyết các vấn đề nhạy cảm có liên quan tới phụ nữ nên hiệu quả TGPL cho phụ nữ chưa cao.
- Nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nói riêng còn hạn chế.
Việc quán triệt, nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan, ban ngành, các cấp chính quyền chưa đầy đủ, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực, biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Đa số các địa phương chưa có biện pháp phòng ngừa tích cực tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em như tuyên truyền đến từng gia đình, người dân về chính sách pháp luật, về thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của bọn tội phạm đề người dân nâng cao cảnh giác; khảo sát, nắm tình hình phụ nữ, trẻ em bị buôn bán để phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời những kẻ buôn người; chưa có chương trình hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả những phụ nữ, trẻ em bị lừa bán (nhất là bị buôn bán ra nước ngoài) trở về được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục cộng đồng, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo, tư vấn về tâm lý để họ sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
- Điều kiện tiếp nhận thông tin hạn chế, sự kém hiểu biết pháp luật và tâm lý e ngại của các nạn nhân.
Hầu hết phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và tội buôn bán người đều sinh sống ở những nơi có hoàn cảnh sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, không rõ về các quyền và nghĩa vụ của mình. Do điều kiện tiếp nhận thông tin hạn chế nên họ không biết đến tổ chức trợ giúp pháp lý để yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.
Mặt khác, do chưa có cơ chế bảo đảm an toàn cho nạn nhân, cùng với tâm lý mặc cảm, cam chịu, e ngại, xấu hổ, lo sợ bị trả thù nên ho không dám tố cáo tội phạm, e ngại khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước và ngại yêu cầu trợ giúp.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL cho phụ nữ
- Hoàn thiện thể chế, trong đó quy định mô hình tổ chức thực hiện TGPL đặc thù cho phụ nữ, nhân rộng mô hình Văn phòng tư vấn pháp luật và TGPL cho phụ nữ đã làm thí điểm có hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời bổ sung phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí. Thành lập các Điểm trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại địa bàn vùng sâu, vùng xa là những nơi phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật, nhằm nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật cho phụ nữ.
- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý, bảo đảm cho mọi phụ nữ đều được bình đẳng trong tiếp cận pháp luật và dịch vụ pháp lý.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức về giới, bình đẳng giới, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, kỹ năng tiếp cận phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ cho đội ngũ người thực hiện TGPL;
- Tăng cường tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã có nguy cơ cao, có nhiều nạn nhân bị buôn bán để giúp đỡ các nạn nhân bị buôn bán, nâng cao ý thức phòng, tránh buôn bán. Phối hợp với các cơ quan hữu quan như Bộ đội Biên phòng, Sở Lao động, Thương binh - Xã hội để tiếp cận thực hiện TGPL cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ngay tại các cửa khẩu khi họ trở về.
- Thực hiện lồng ghép giới trong hoạt động TGPL. Xây dựng hướng dẫn việc lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Các tổ chức thực hiện TGPL cần có cơ cấu tổ chức hợp lý, ít nhất có 30% cán bộ lãnh đạo và đội ngũ người thực hiện TGPL là nữ. Họ là những người hiểu tâm lý và thông cảm sâu sắc với chị em phụ nữ nên thực hiện trợ giúp pháp lý có hiệu quả cao hơn, khắc phục tâm lý e ngại của người được TGPL.
- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền của phụ nữ, Luật phòng chống bạo lực gia đình, đấu tranh phòng chống tội mua bán phụ nữ và trẻ em; thông tin và phổ biến một cách kịp thời những thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người, nguy cơ trở thành nạn nhân và hậu quả do hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em gây ra đến từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội để nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ tự bảo vệ mình và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
- Xây dựng cơ chế và mở rộng thực hiện các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ những phụ nữ, trẻ em bị lừa bán (nhất là bị buôn bán người) trở về tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho họ được hưởng sự trợ giúp pháp lý để họ sớm hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống (hướng dẫn các quy định pháp luật về vay vốn, kỹ năng quản lý, sử dụng, đăng ký hộ tịch; quyền sử dụng đất v.v…).
- Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện TGPL cho phụ nữ. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa ngành tư pháp, tổ chức thực hiện TGPL với Hội phụ nữ các cấp để thực hiện TGPL cho phụ nữ, cụ thể là các hoạt động phối hợp khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của phụ nữ; phối hợp mở các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật, bình đẳng giới cho phụ nữ; phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, trong đó Hội Phụ nữ là người tổ chức, vận động chị em tham gia đầy đủ, tích cực, để họ có cơ hội chia xẻ những những khó khăn, vướng mắc và được hưởng quyền được TGPL.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất và kinh phí tương xứng với nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và TGPL cho phụ nữ, nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu TGPL của phụ nữ. Đối với nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn nhân tội phạm buôn bán người cần có nhà tạm lánh để hỗ trợ về tâm lý, y tế, giáo dục, học nghề và pháp lý cho họ.