Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, của cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những biện pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là tiền đề vững chắc để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, khắc phục những khó khăn công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của các hội viên luật gia đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền pháp luật, thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt sử dụng tốt phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền; tổ chức các hội nghị tuyên truyền các văn bản pháp luật mới; hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật với số lượng người tham gia đông đảo; thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu, tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, xây dựng chuyên mục hỏi đáp pháp luật để tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền qua băng zôn, khẩu hiệu...Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tỷ lệ người dân được tuyên truyền pháp luật được nâng lên, nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân được cải thiện, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn có những tồn tại, hạn chế:
Một số chi hội nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do đó còn chưa quyết liệt trong công tác lãnh chỉ đạo cũng như tổ chức triển khai thực hiện.
Một số nơi, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn thấp hiệu quả công tác PBGDPL chưa cao. Nhận thức về pháp luật của nhân dân một số vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế. Vẫn còn có tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về pháp luật.
Chưa có kinh phí cho các chi hội thực hiện công tác TTPBGDPL. Nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL hầu như kiêm nhiệm nhiều hiệm vụ khác do đó một số thời điểm việc thực hiện nhiệm vụ TTPBGDPL chưa có sự tập trung. Một số hội viên trình độ năng lực còn hạn chế, kinh nghiệm công tác ít ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác TTPBGDPL.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo kế hoạch, đặc biệt tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được ban hành và văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới đời sống Nhân dân như lĩnh vực: xử lý hành chính, hình sự, dân sự, đất đai, môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, đấu giá tài sản, tôn giáo, tín ngưỡng, an toàn giao thông, văn bản về cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; chủ trương, nhiệm vụ, quan điểm về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; nội dung chính sách trong các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý; các chính sách pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội và các nội dung tuyên truyền, phổ biến theo định hướng của cơ quan cấp trên.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các cơ sở. Tập trung tuyên truyền các đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động trong doanh nghiệp; người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ; thanh thiếu niên…tăng cường tuyên truyền tại các địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, tội phạm và vi phạm pháp luật, các xã vùng sâu, vùng xa. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nâng cao tính thu hút đối với các buổi tuyên truyền. Lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với Nhân dân.
3. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đề án, dự án của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tại cơ sở nhất là các dự án nâng cao năng lực tư vấn pháp luật về đất đai, môi trường, chính sách…
4. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hội luật gia từ huyện đến cơ sở; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động của hội luật gia trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ huyện đến cơ sở.
5. Cơ quan chuyên môn cấp trên cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hội viên hội luật gia các cấp.
Chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp và định hướng nội dung giáo dục pháp luật thường xuyên cho đội ngũ hội viên hội luật gia (thường xuyên cung cấp kiến thức, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cập nhật, tập huấn các văn bản pháp luật mới, cung cấp tài liệu cho hội viên Hội luật gia).
6. Đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp PBGDPL
Trên cơ sở nội dung PBGDPL được cung cấp, các thành viên hội luật gia biên soạn cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng đối tượng. Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá xác định nội dung PBGDPL thời gian tiếp theo.
Đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyền truyền, PBGDPL, thông qua hội nghị, hệ thống truyền thanh, công tác hòa giải ở cơ sở, hoạt động câu lạc bộ lồng ghép trong các buổi tọa đàm, buổi nói chuyện, hoàn cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát, cung cấp các tin bài, cấp phát tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, tờ rơi, panô, áp phích, khai thác, tìm hiểu pháp luật qua hội thi, tủ sách pháp luật,.... Xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các hoạt cảnh trên phát thanh hoặc truyền hình, xây dựng trang web riêng về công tác tuyên truyền, mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ tư vấn tại trụ sở mà còn đến các thôn xóm, cụm dân cư, tư vấn lưu động hoặc thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và hình thức ngoại khóa nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục công dân, ở các trường học. Tăng cường công tác xét xử lưu động của Tòa án góp phần tích cực cho công tác tuyên truyền và nâng cao chất lượng xét xử giúp cho người dân nhận thức và làm chủ được bản thân tránh những hành vi vi phạm pháp luật. đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên. Các tuyên truyền viên cũng thường xuyên phối hợp với nhà trường lồng ghép các nội dung tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho các em học sinh.
7. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Thường xuyên cung cấp các tin bài về các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên các trang thông tin của hội. Sử dụng hiệu quả các trang mạng xã hội vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
8. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các chi hội trong thực hiện hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách bài bản, khoa học để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.