Sau 15 năm hoạt động, đến nay Hội Luật gia tỉnh đã thành lập được 01 Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; 16 Chi hội Luật gia các Sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tỉnh; 41 Chi Hội Luật gia các phòng, ban, đoàn thể huyện, thành phố; 106 Chi hội Luật gia cấp xã; 22 trung tâm pháp luật cộng đồng cấp xã và CLB pháp luật; với tổng số 3.248 hội viên.
Có được kết quả trên là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Hội Luật gia Việt Nam, sự phối hợp tạo điều kiện của các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh, đặc biệt cùng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao của các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Thường trực, Hội Luật gia cấp huyện, các Chi hội luật gia trực thuộc luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện hoạt động của Hội Luật gia các cấp trong tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, đặc biệt cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách cần tập trung làm tốt các giải pháp như sau:
1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý, đa dạng các phương thức truyền thông như: đài phát thanh, truyền hình, Internet; biên soạn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, xây dựng video bằng tiếng dân tộc... phù hợp với trình độ dân trí của DTTS
2. Cần có chính sách, kế hoạch phù hợp để giúp người dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, tâm lý giải quyết mọi vấn đề. Cần khuyến khích người dân tiếp cận các kênh thông tin hay các tổ chức trợ giúp pháp lý để nhận được những lời khuyên cũng như giải đáp các thắc mắc một cách cụ thể nhất, trách trường hợp “sự việc đã rồi”. Từ đó, giúp họ hiểu về quyền lợi của họ sẽ được trợ giúp pháp lý khi họ có vướng mắc, quyền lợi bị xâm hại.
3. Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông về trợ giúp pháp lý: nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu phù hợp với người dân; hình thức truyền thông đa dạng dễ hiểu, dễ nhớ.
4. Nâng cao năng lực cho người thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp đảm bảo đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý có đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.
5. Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trợ giúp pháp lý với các cơ quan có liên quan, tạo cơ chế huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia trợ giúp pháp lý của xã hội (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội...); Thiết lập mạng lưới tại cơ sở: UBND cấp xã; công chức tư pháp, hộ tịch; tổ hòa giải;cán bộ phụ nữ; công an xã; hội nông dân; hợp tác xã; ... để tăng khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân, phát hiện và trợ giúp pháp lý kịp thời cho đồng bào DTTS. Nâng cao vai trò của trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS để tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS hiểu được việc cần trợ giúp pháp lý để tăng khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý và tích cực tham gia các buổi trợ giúp pháp lý ở địa phương. Nâng cao vai trò người DTTS như cán bộ công chức địa phương là người DTTS, Trưởng bản, Bí thư chi bộ bản,... tham gia tại các buổi trợ giúp pháp lý để đồng bào cảm thấy yên tâm, tự tin hơn khi được trợ giúp pháp lý.
6. Xây dựng chuyên mục trả lời tư vấn pháp luật trên trang thông tin điện tử (bằng cả tiếng DTTS) đối với những vướng mắc pháp luật đơn giản: hướng dẫn các trình tự, thủ tục khai sinh, ly hôn, kết hôn… để người dân dễ dàng tiếp cận với trợ giúp pháp lý.
7. Thiết lập và duy trì đường dây nóng về TRỢ GIÚP PHÁP LÝ (bằng cả tiếng DTTS) để người dân có thể gọi tới bất cứ khi nào nếu có tranh chấp, vướng mắc pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, có thể thông tin sớm nhất cho tổ chức thực hiện TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ngay khi thụ lý vụ việc tố tụng.
8.Tăng cường vai trò giám sát, phản biện; duy trì chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất; Làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình hoặc có đóng góp tích cực cho hoạt động TRỢ GIÚP PHÁP LÝ...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, đặc biệt là đồng bào DTTS, sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu, để bảo đảm việc tiếp cận và sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân./.